Bốn
năm trước, một người bạn đưa cho mình cuốn Nhà Giả Kim. Ngày trả lại sách, bạn
hỏi: My nghĩ gì về nội dung tác giả viết. Thật khó để trả lời câu hỏi đó với một
đứa mà ở thời điểm ít trải nghiệm, ít suy nghĩ, hơi hời hợt với những gì xảy đến
và diễn ra xung quanh mình. Nên thành ra cuốn sách có được mệnh danh như thế
nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là những con chữ đọc rồi quên, chẳng đọng lại được
gì cho bản thân.
Không
hiểu tại sao lại có điều gì đó thôi thúc mình đặt cuốn sách này để đọc lại - một
trong những điều mình luôn dặn bản thân, khi con tim mách bảo điều gì, hãy lắng
nghe nó, chưa bao giờ nó chỉ sai cả - và mình đã đặt để rồi trải nghiệm những
điều diệu kỳ, những điều mà mình luôn xây dựng, luôn tin, đã đi và đang đi.
Khi
đọc lại mỗi cuốn sách mình lại càng thấm thía câu nói qua mỗi độ tuổi, mỗi giai
đoạn, bạn sẽ có một góc nhìn khác nhau, đón nhận những bài học khác nhau từ
cùng một cuốn sách. Cái thú vị là mình sẽ nghĩ rằng sao hồi đó mình lại không
nhận ra nhỉ, thật là sâu sắc và hay quá đi.
Mình
đã thật sự đắm chìm vào cuộc phưu lưu đi tìm kho báu của cậu bé chăn cừu để rồi
cũng như đang thấy hình ảnh của chính mình. Ai cũng có một “kho báu” cần phải
đi tìm. Định nghĩa “kho báu” sẽ tùy ở mỗi người và đối với mình đó ý nghĩa của
cuộc đời, chữ “WHY” cho sự có mặt của mình trên Trái Đất này.
Khi
bắt đầu đặt câu hỏi, khi bắt đầu đi tìm, cuộc hành trình bắt đầu.
Mình
luôn tin những hoàn cảnh, những con người đến vời mình đều là những điều mình cần
phải được trải qua. Tất cả mọi thứ đều đã được sắp xếp để dẫn mình đi tìm chính
mình, hiểu bản thân hơn, hoàn thiện hơn,
và quan trọng hết là dẫn đường đến “kho báu”. Mình vẫn đang đi trên con
đường đó, đón nhận rất nhiều điều màu nhiệm, đón nhận những thông điệp, và hành
động, hành động, hành động, để rồi cứ tiếp
nối, tiếp nối, tiếp nối. Dần dần mọi thứ càng lúc càng rõ ràng và sáng tỏ.
Một
trong những điều mình rất ấn tượng là cậu bé chăn cừu luôn cho bản thân một
thái độ đối diện và chấp nhận tất cả mọi thứ đến với cậu. Nếu là những điều tốt
đẹp thì trân trọng và biết ơn. Nếu là những điều khó khăn, không thuận lợi thì
đó là những thử thách mà cậu cần vượt qua. Để rồi khi nhìn lại, chính những điều
đó đã giúp cậu được đi tiếp con đường và tìm thấy kho báu. Mình nghĩ cậu là người
đã giúp cậu đấy thôi. Nếu cậu chọn từ bỏ, cậu vẫn chỉ là một cậu bé chăn cừu và
sẽ chẳng bao giờ có được “kho báu” mà cậu xứng đáng được nhận. “Cậu đã học được
ngôn ngữ của sự phấn khởi, của nổ lực, của hăng say dốc sức thực hiện điều mình
vững tin và mong mỏi đạt được.” Đó là cách “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.
Đối
với mình đọc sách giống như lắng nghe quan niệm và tư duy của một người. Họ trải
vào đó những kinh nghiệm, những vốn sống được hình thành qua những gì họ đã đi,
những đúc kết từ vấp ngã, từ tột cùng của cảm xúc, từ nước mắt, những suy niệm,
những góc nhìn từ lăng kính của họ với cách vận hành của cuộc sống. Vì vậy, chẳng
có gì là đúng hay sai, cũng chẳng có gì gọi là đồng tình hay không đồng tình.
Mình chỉ đang du ngoạn trong thế giới của họ như du ngoạn ở một đất nước mới,
ngắm nhìn những thứ mình chưa bao giờ được ngắm nhìn, ăn những thứ mình chưa
bao giờ được ăn,… để rồi mình không phải trở thành một người như tác giả, không
phải ngày nào cũng ngắm nhìn nơi đó, ăn những món đó mà khi trở về với con người
của chính mình, trở về nhà thì mình bắt đầu cho mình những CHỌN LỰA, những cái được
gọi là THỬ, những điều được gọi là NGHIỆM với đời sống cá nhân để cho ra những
gì của riêng mình mà áp dụng hay chỉ đơn giản là BIẾT để làm phong phú hơn góc
nhìn của mình, nếp nghĩ của mình, lối sống của mình hoặc chỉ tối thiểu nhất là
KHÔNG để tâm trí của mình BỊ TRÓI BUỘC bởi bất kỳ một không gian, một quan niệm,
một tư duy nào đó.
Hãy
luôn tin mình sẽ tìm được hay đạt được.
“Khi
cậu đã quyết tâm làm điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp cậu đạt được mục
đích.”
Và
đừng quên hãy luôn lắng nghe con tim của mình. “Trái tim cậu ở đâu thì kho báu
của cậu ở đó”.
Cảm
ơn đã lắng nghe.